Lịch sử máy tính tiền

Để đảm bảo nhân viên thu ngân của mình trung thực khi thanh toán cho khách hàng, chủ quán rượu James Ritty đã phát minh ra máy tính tiền cơ học đầu tiên trên thế giới vào năm 1879. Ngày nay, máy tính tiền được sử dụng rộng rãi trong các trung tâm buôn bán, nhà hàng và nơi cung cấp dịch vụ.

James Ritty
Nhà phát minh James Ritty

James Ritty (1836 – 1918) là nhà phát minh sở hữu một số quán rượu, bao gồm một quán ở thành phố Dayton, bang Ohio (Mỹ). Ông thường tự hào cửa hàng của mình là “đại lý bán rượu Whisky nguyên chất, rượu vang và xì gà hảo hạng”. Vấn đề nảy sinh khi một số nhân viên pha chế của Ritty thu tiền khách hàng rồi bỏ túi riêng, thay vì nộp toàn bộ số tiền vào két. Do đó, số tiền lãi ông thu được không đáng kể.

Vào năm 1878, trong một chuyến du lịch bằng tàu hơi nước tới châu Âu, Ritty bị thu hút bởi một thiết bị đếm số vòng quay chân vịt của con tàu. Ông chợt nảy ra ý tưởng về một thiết bị tương tự có khả năng ghi lại các giao dịch tiền mặt được thực hiện tại quán rượu. Cỗ máy này sẽ giúp ông kiểm tra và theo dõi từng lượt khách hàng mua đồ uống tại quầy.

Do quá hứng thú với ý tưởng mới, Ritty rút ngắn lịch trình du lịch ở châu Âu. Ông nhanh chóng quay lại Mỹ để bắt tay vào việc chế tạo máy tính tiền. Ngay khi về đến nhà, ông hợp tác cùng anh trai John Birch – một thợ cơ khí lành nghề – bắt đầu công việc thiết kế và lắp ráp thiết bị mới trong một căn phòng nhỏ trên đường South Main ở Dayton.

Sau một số nguyên mẫu thất bại, cuối cùng họ cũng thành công trong lần thử nghiệm thứ ba. Thiết bị của họ trông giống một chiếc đồng hồ gỗ với hai dãy phím nổi ở phía trước. Một dãy phím được dán nhãn mệnh giá tiền từ 5 đến 95 cent. Dãy phím còn lại dán nhãn từ 1 đến 9 USD. Điểm hạn chế của thiết bị là nó chưa có ngăn kéo đựng tiền. Khi người sử dụng nhấn vào các phím đại diện cho một số tiền thanh toán cụ thể, giá trị này sẽ được ghi lại và hiển thị trên mặt đồng hồ để khách hàng quan sát (vòng tròn bên ngoài đồng hồ hiển thị số cent và vòng tròn bên trong hiển thị số USD).

Ngày 4/11/1879, Ritty được cấp bằng sáng chế US.221360 của Mỹ cho máy tính tiền cơ học đầu tiên với tên gọi “Ritty’s Incorruptible Cashier” (Nhân viên thu ngân không thể bị mua chuộc của Ritty).

Trong khi vẫn đang quản lý chuỗi quán rượu, Ritty thành lập một nhà máy nhỏ ở Dayton với hơn mười nhân viên để sản xuất máy tính tiền vào năm 1880. Nhưng đáng tiếc là công ty này làm ăn không phát đạt. Đến năm 1881, Ritty quá tải với trách nhiệm điều hành hai công việc kinh doanh khác nhau. Vì vậy, ông quyết định bán công ty và bằng sáng chế lại cho Jacob H. Eckert, một doanh nhân buôn bán đồ sành sứ và thủy tinh, với giá chỉ 1.000 USD. Năm 1882, Ritty mở thêm một quán rượu mới tên là Pony House trên đường South Jefferson. Sau đó không lâu, ông chuyển sang lĩnh vực kinh doanh quán bar.

Năm 1884, John H. Patterson mua lại công ty của Jacob H. Eckert và đổi tên nó thành Công ty Máy tính tiền Quốc gia (NCR). Patterson tìm cách cải thiện máy tính tiền bằng cách trang bị thêm một cuộn giấy để ghi lại các giao dịch bán hàng, đồng thời cỗ máy cũng có thể in hóa đơn cho khách hàng. Patterson có mối quan hệ rất tốt với Ritty. Patterson nhiều lần mời Ritty tới tham dự các cuộc họp và hội nghị của NCR, cũng như thừa nhận vai trò tiên phong của ông trong việc chế tạo máy tính tiền.

Ritty quyết định ngừng kinh doanh quán rượu và nghỉ hưu vào năm 1895. Ông qua đời vì bệnh tim khi đang ở nhà. Ông được chôn cất cùng vợ Susan và anh trai John tại khu Nghĩa trang Woodland của thành phố Dayton.

Năm 1906, trong thời gian làm việc tại NCR, nhà phát minh người Mỹ Charles F. Kettering đã sáng chế ra máy tính tiền động cơ điện đầu tiên. Kể từ đó, máy tính tiền ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Hiện tại, NCR hoạt động như một công ty điện tử, chuyên cung cấp phần cứng, phần mềm máy tính, dịch vụ hỗ trợ bảo trì IT, sản xuất các ki-ốt tự phục vụ, máy tính tiền, máy rút tiền tự động, máy quét mã vạch,…

Đầu thập niên 1960, khi máy tính trở nên có sẵn, người ta trang bị thêm cho máy tính tiền khả năng ghi lại các giao dịch trên băng giấy đục lỗ. Dữ liệu được truyền đến một máy tính trung tâm để theo dõi và đối chiếu sau này.

Đến cuối thế kỷ 20, máy tính tiền điện tử hiện đại không có bất kỳ sự tương đồng nào với sáng chế ban đầu của Ritty. Nhiều công ty lớn sản xuất loại sản phẩm này chẳng hạn như Casio, IBM, Panasonic, Wincor-Nixdorf, Sharp, Toshiba... Tùy vào mục đích sử dụng mà máy tính tiền có cấu hình và thiết bị đi kèm tương ứng, nhưng thông thường chúng có hai bộ phận: phần thân chính và các thiết bị ngoại vi.

Phần thân chính của máy bao gồm: vỏ máy; mạch điện tử chứa phần mềm tính toán, lưu trữ các số liệu hàng hóa như giá sản phẩm, thống kê doanh thu theo thời gian; một màn hình hiển thị cho nhân viên và màn hình hiển thị cho khách; bộ phận in hóa đơn [chủ yếu là máy in kim]; bàn phím dành cho nhân viên thao tác [ở một số loại máy tính tiền, bàn phím và màn hình dành cho nhân viên thường được tích hợp làm một trên màn hình cảm ứng]; ngăn kéo đựng tiền [có thể mở bằng chìa khóa, bằng một phím hoặc tổ hợp phím].

Các thiết bị ngoại vi của máy tính tiền điện tử có thể kể đến như máy đọc mã vạch, máy nhận thẻ tín dụng, máy in hóa đơn ngoài (dùng để in các hóa đơn khổ rộng),....

Máy tính tiền điện tử có thể hoạt động độc lập hoặc liên kết với máy tính để cung cấp liên tục thông tin lượng hàng bán được, nhờ đó người quản lý có thể theo dõi các biến đổi về mức dự trữ hàng hóa cũng như tình trạng doanh thu tức thời của toàn bộ cửa hàng.

Bài viết này thuộc chủ đề Máy tính tiền được đăng vào lúc